Xâm chiếm Na Uy Chiến_dịch_Weserübung

Bài chi tiết: Chiến dịch Na Uy

Cơ cấu tổ chức quân đội Đức

Vị trí đổ bộ của quân Đức giai đoạn đầu chiến dịch Weserübung.

Cuộc xâm lăng Na Uy được giao cho Quân đoàn 21 dưới quyền Đại tướng Nikolaus von Falkenhorst và bao gồm các đơn vị chính sau:

  • Sư đoàn Bộ binh 163
  • Sư đoàn Bộ binh 69
  • Sư đoàn Bộ binh 196
  • Sư đoàn Bộ binh 181
  • Sư đoàn Bộ binh 214
  • 2 trung đoàn 138 và 139 thuộc Sư đoàn Sơn chiến số 3
  • Sư đoàn Sơn chiến số 2 (được điều động sau)
  • Tiểu đoàn Thiết giáp 40[51][52]

Lực lượng tấn công ban đầu được vận chuyển theo nhiều tốp bằng tàu chiến của Hải quân Đức:

  1. Các thiết giáp hạm ScharnhorstGneisenau yểm hộ từ xa, cộng thêm 10 khu trục hạm với 2.000 quân sơn chiến do tướng Eduard Dietl chỉ huy tới Narvik;
  2. Tàu tuần dương hạng nặng Admiral Hipper và 4 khu trục hạm với 1.700 quân đến Trondheim;
  3. Tàu tuần dương hạng nhẹ Köln (kỳ hạm của Chuẩn Đô đốc Hubert Schmundt) và Königsberg, tàu huấn luyện Bremse, tàu vận tải Karl Peters, 2 ngư lôi hạm và 5 tàu ngư lôi gắn động cơ[53] với 1.900 quân tới Bergen;
  4. Tàu tuần dương hạng nhẹ Karlsruhe (thuyền trưởng Friedrich Rieve), 3 ngư lôi hạm, 7 tàu phóng ngư lôi gắn động cơ và tàu mẹ loại Schnellboot (Schnellbootbegleitschiff) Tsingtau với 1.100 quân đến Kristiansand[54];
  5. Tàu tuần dương hạng nặng Blücher, tàu tuần dương hạng nặng Lützow, tàu tuần dương hạng nhẹ Emden, 3 ngư lôi hạm, 8 tàu quét mìn và 2 tàu đánh cá có vũ trang[55] với 2.000 quân tới Oslo;
  6. 4 tàu quét mìn với 150 quân tới Egersund.

Mở màn chiến dịch

Duyệt đội ngũ trên tàu Admiral Hipper, ngày 6 tháng 4

Các tàu chiến xâm lược đầu tiên của Đức đã khởi hành vào ngày 3 tháng 4. Hai ngày sau, Chiến dịch Wilfred được lên kế hoạch kỹ càng đã bắt đầu triển khai và hạm đội Hải quân Hoàng gia Anh do tàu HMS Renown dẫn đầu đã rời Scapa Flow đi thả mìn vùng biển Na Uy. Các bãi mìn đã được rải tại vịnh Vest sáng sớm ngày 8 tháng 4. Chiến dịch Wilfred kết thúc, nhưng một ngày sau, khu trục hạm Glowworm, vốn tách ra trước đó vào ngày 7 tháng 4 để đi tìm một người mất tích trên tàu, đã bị đánh chìm trong trận đụng độ với tuần dương hạm Admiral Hipper và 2 khu trục hạm thuộc hạm đội xâm lược của Đức.

Trưa ngày 8 tháng 4, tàu chở quân bí mật Rio de Janeiro của Đức đã bị bắn chìm ngoài khơi Lillesand bởi tàu ngầm Orzeł của Ba Lan, thuộc đội tàu ngầm số 2 Hải quân Hoàng gia Anh. Thế nhưng, thông tin về vụ việc này đến được với các cấp chính quyền có chức năng ở Oslo quá trễ khiến cho phía Na Uy không kịp làm gì hơn là cho phát đi một báo động hạn chế vào phút cuối.[56] Nghi ngờ rằng Đồng Minh đang cố gắng cho quân đổ bộ tại Na Uy, người Đức liền bất ngờ tăng tốc để đi trước một bước.[57]

Khuya ngày 8 tháng 4 năm 1940, nhóm tàu 5 của Đức bị tàu tuần tra Pol III của Na Uy phát hiện. Pol III liền bị tấn công, thuyền trưởng Leif Welding-Olsen trở thành quân nhân Na Uy đầu tiên bị thương nặng trong chiến tranh.

Ngày 9 tháng 4, cuộc xâm lăng của Đức bắt đầu tiến hành và kế hoạch R 4 cũng nhanh chóng được triển khai cùng lúc.

Diễn biến

Đánh chìm tàu Blücher
  • Ngày 9 tháng 4:
    • Đội tàu Đức tiến vào khu vịnh dẫn tới Oslo, đến cửa biển Drøbak. Sáng sớm ngày 9 tháng 4, các pháo thủ trong pháo đài Oscarsborg đã bắn vào tàu chỉ huy được sơn màu nổi bật trong đội hình, tàu tuần dương hạng nặng Blücher, vào khoảng 4h15. Sau 2 tiếng đồng hồ, con tàu, do mất đi tính cơ động trong vịnh hẹp, đã bị trọng thương sau khi trúng nhiều đòn tấn công của pháo binh và thủy lôi phòng thủ bờ biển của Na Uy, trong đó có 2 khẩu đại bác Krupp 48 tuổi kiểu Đức (Moses và Aron, cỡ 28 cm, được lắp ráp tại pháo đài Oscarsborg tháng 5 năm 1893), rồi cuối cùng bị chìm với thương vong lớn khoảng từ 600 đến 1.000 thuỷ thủ. Mối đe doạ rõ rệt từ pháo đài cùng với nhận định sai lầm cho rằng bãi mìn đã góp phần làm tàu chìm đã ngăn cản đội tàu xâm lược còn lại, làm việc chiếm Oslo chậm đi nửa ngày, đủ lâu cho hoàng gia Na Uy, nội các NygaardsvoldNghị viện Na Uy kịp sơ tán, cùng với toàn bộ dự trữ vàng ngân khố quốc gia.[9] Nhờ đó, Na Uy đã không bao giờ phải đầu hàng Đức, để lại chính phủ bất hợp pháp của Vidkun Quisling và đưa Na Uy tham gia như một thành viên của phe Đồng Minh trong chiến tranh, chứ không phải một quốc gia bị chiếm đóng. Oslo sau đó rơi vào tay các đại đội Đức đổ bộ tại sân bay Fornebu.
    • Quân không vận Đức đổ bộ tại sân bay Oslo, Fornebu, sân bay Kristiansand, Kjevik, và trạm hàng không Sola – được xem là lực lượng lính dù chiến đấu (Fallschirmjäger) đầu tiên trong lịch sử;[9] ngẫu nhiên trong số các phi công của không quân Đức đổ bộ tại Kjevik có mặt Reinhard Heydrich.
    • Vidkun Quisling công bố trên đài phát thanh tiến hành đảo chính.
    • Quốc vương Haakon từ chối hạ vũ khí đầu hàng và tuyên bố "cuộc kháng chiến sẽ tiếp diễn chừng nào còn lực lượng";[20] đài phát thanh chính phủ kêu gọi nhân dân nổi dậy chống quân xâm lược. Quốc vương chính thức ủng hộ lời kêu gọi này.[20]
    • Giao chiến tại Midtskogen; ném bom ElverumNybergsund.
    • Các thành phố, thị trấn Bergen, Stavanger, Egersund, Kristiansand S, Arendal, Horten, TrondheimNarvik bị tấn công và chiếm đóng trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
    • Các trung tâm động viên bị tấn công liên tục, các kho hàng quân sự với đạn dược và đồ tiếp tế cho việc động viên bị rơi vào tay quân Đức trước khi quân kháng chiến Na Uy được kịp tổ chức.
    • Cuộc kháng cự anh hùng nhưng vô ích của 2 tàu bọc thép bảo vệ bờ biển Na Uy NorgeEidsvold tại Narvik. Cả hai tàu đều bị trúng thủy lôi và chìm với số thương vong lớn.[58]
Trận hải chiến gần Narvik
  • Trận Narvik thứ nhấtthứ hai (Hải quân Hoàng gia Anh đánh với hải quân Đức).
    • Quân Đức chiếm Narvik và đổ bộ lên với 2.000 quân bộ binh sơn chiến. Ngày 13 tháng 4 đội tàu của Đô đốc Charles Morton Forbes chỉ huy đã tìm thấy vị trí đổ bộ của Đức, hạm đội Anh do chiến hạm HMS Warspite dẫn đầu tiến vào trong vịnh và cuộc chiến bắt đầu. Các tàu Đức không thể thoát ra biển và phải chiến đấu đến khi hết nhiên liệu và đạn dược. Một số tàu Đức rút được về bờ biển và cho cập cạn, số còn lại bị bắn chìm. Trận chiến này gây tổn thất quá nửa số tàu chiến của lực lượng hải quân Đức, và là một thiệt hại mà Đức không thể phục hồi để có thể kết thúc cuộc chiến.
  • Bom đạn tàn phá thị trấn Nybergsund, Elverum, Åndalsnes, Molde, Kristiansund N, Steinkjer, Namsos, Bodø, Narvik – một số chỉ bị ném bom chiến thuật, số khác bị ném bom khủng bố.
Lính Đức tại mặt trận Trondheim, ngày 29 tháng 4
  • Chiến dịch Namsos - đòn phản công của Đồng Minh:
    • Ngày 14 tháng 4 một nhóm Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh đã đổ bộ tại Namsos, cách Trondheim 204 km, sau đó vài ngày có thêm Lữ đoàn Bộ binh 146 và một nửa Lữ đoàn Sơn chiến (Chasseurs-Alpins) số 5 của Pháp.
    • Ngày 18 tháng 4, Lữ đoàn Bộ binh 148 (Anh) đổ bộ tại Åndalsnes.
    • Ngày 23 tháng 4, Lữ đoàn Bộ binh 15 (Anh) đổ bộ vào Gudbrandsdal trong một nỗ lực tiếp theo để đánh chiếm Trondheim.
    • Cho đến ngày 23 tháng 4 Đồng Minh đã triển khai 4 lữ đoàn tại bắc và nam Trondheim. Họ được tiếp tế bằng hải quân và có sự hỗ trợ của 6.000 binh sĩ Na Uy (sử dụng vũ khí từ thế kỷ trước).
  • Đối mặt đối phương có ưu thế áp đảo về số lượng, viên tư lệnh Đức tại Trondheim, Tướng Kurt Woytasch, ban đầu chỉ có trong tay 7 tiểu đoàn bộ binh. Tuy nhiên, ông ta đã hành động tự tin và điều quân đến cả phía bắc và phía nam, để ngăn không cho quân Đồng Minh sử dụng mạng lưới đường bộ hạn chế. Họ kêu gọi quân tiếp viện và tiếp tế hàng không, sau đó tấn công mạnh ở phía bắc và chặn được cuộc tiến quân của Đồng Minh trên hướng này. Quân tiếp viện Đức đến từ phía nam, loại bỏ được mối đe dọa của quân Anh từ phía sau lưng. Đây là những cuộc chiến trên bộ đầu tiên giữa quân đội Anh và Wehrmacht trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
  • Trận chiến trên bộ tại Narvik:
    • Tình hình của quân Đức tại Narvik là tồi tệ nhất. Tình trạng thời tiết ở khu vực này đã giới hạn khả năng hỗ trợ tích cực của Không quân Đức, vốn đóng một vai trò quan trọng trong trận chiến tại Trondheim. Hơn nữa, việc mất kiểm soát trên biển trong khu vực không cho phép gửi quân đến tiếp viện. Sư đoàn Sơn chiến số 3 dưới sự chỉ huy của tướng Eduard Dietl bị cắt liên lạc với phần còn lại của đất nước. Vài ngày sau khi chiếm được Narvik, Dietl chỉ còn có thể dựa vào 2.000 quân bộ binh sơn chiến và 2.600 thủy thủ thuộc đội tàu đã bị phá hủy.
    • Ngày 24 tháng 4, bắt đầu các chiến dịch nghiêm túc của Đồng Minh ở phía bắc. 4 tiểu đoàn Na Uy tấn công chính diện vào các vị trí của Dietl tại Gratangen và được hỗ trợ bởi cuộc đổ bộ 4 ngày sau đó của quân Pháp. Đầu tháng 5, có thêm 1 lữ đoàn Pháp và 1 lữ đoàn Ba Lan. Trong quân Đồng Minh có 24.500 lính Anh. Ngoài ra, họ có sự hỗ trợ từ phía Hải quân.
    • Mặc dù thiếu quân tiếp viện, yểm trợ không quân và pháo binh, quân Đức vẫn tiếp tục kháng cự bằng cách cố gắng duy trì sự hiện diện tại Narvik, và kiểm soát tuyến đường sắt dẫn đến Thụy Điển. Trong thời gian này Sư đoàn Sơn chiến số 2 đã di chuyển lên phía bắc nhằm cố gắng hỗ trợ cho lực lượng của Dietl (trong thời gian 4 ngày họ di chuyển được 140 km trên một địa hình mà người Anh cho là không thể vượt qua.[59])
    • Ngày 13 tháng 5, Quân đoàn 21 báo cáo về Bộ tư lệnh rằng tình hình là rất nghiêm trọng. Họ đã lên kế hoạch để lại thành phố cho quân Đồng Minh nhằm tập trung lại để giữ một vị trí trên tuyến đường sắt nếu có quân tiếp viện. Ngày 14 tháng 5 lực lượng tiếp viện Đức đầu tiên trong vòng 3 tuần lễ đã tới nơi, gồm 1 tiểu đoàn lính dù và 2 đại đội bộ binh sơn chiến. Ngày 28 tháng 5, Narvik rơi vào tay lực lượng Na Uy cùng Đồng Minh (PhápBa Lan) dưới quyền đại tướng Carl Gustav Fleischer. Đây là "chiến thắng chiến thuật đầu tiên trước Wehrmacht trong Chiến tranh thế giới thứ hai", và tàn quân Sư đoàn Sơn chiến số 3 (Đức) tiếp tục chiến đấu dọc theo tuyến đường xe lửa.
    • Ngày 9 tháng 6, do tình hình tại lục địa châu Âu chuyển biến xấu, quân Đồng Minh đã bí mật rút khỏi Narvik trong chiến dịch Alphabet - và quân Đức tái chiếm thành phố - đến lúc đó đã bị bỏ hoang do các cuộc ném bom dữ dội của không quân Đức.
  • Với việc di tản của Quốc vương và nội các Nygaardsvold từ Molde tới Tromsø ngày 29 tháng 4 và cuộc rút lui của các lực lượng Đồng Minh khỏi Åndalsnes ngày 1 tháng 5, sự kháng cự ở miền nam Na Uy đã kết thúc.
  • Cuộc "kháng cự cuối cùng": Các trận đánh diễn ra tại pháo đài Hegra (pháo đài Ingstadkleiven), pháo đài này bị bao vây và chống trả các cuộc tấn công của Đức cho đến ngày 5 tháng 5 - có ý nghĩa tuyên truyền quan trọng với quân Đồng Minh, giống như ở Narvik.
  • Quốc vương Haakon, hoàng thái tử Olav, và nội các Nygaardsvold rời Tromsø ngày 7 tháng 6 trên tàu tuần dương hạng nặng HMS Devonshire đến Anh quốc làm đại diện lưu vong cho Na Uy (quốc vương đã trở về Oslo đúng vào ngày này 5 năm sau); hoàng thái tử phi Märtha và các con, bị từ chối cho nương náu tại quê hương Thụy Điển, sau đó đã rời Petsamo, Phần Lan, đến sống lưu vong tại Hoa Kỳ.
  • Quân đội Na Uy đầu hàng ngày 10 tháng 6 năm 1940, 2 tháng sau ngày Weser, và Na Uy bị chiếm đóng hoàn toàn sau một thời gian dài chống trả quân xâm lược. Tuy vậy các lực lượng vũ trang Na Uy vẫn tiếp tục chiến đấu với quân Đức tại hải ngoại và ở trong nước cho đến tận khi Đức đầu hàng ngày 8 tháng 5 năm 1945. Điều này làm cho Na Uy trở thành quốc gia có thời gian chống trả cuộc xâm lăng trên bộ của Đức dài nhất trong cả cuộc chiến - nếu không tính Liên Xô.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Weserübung http://www.feldgrau.com/norwegian.html http://hem.fyristorg.com/robertm/norge/ http://www.seekrieg.de/1940/weseruebung/ksg04.htm http://www.cultours.dk/presse/besettelsen-af-danma... http://www.jewmus.dk/mitzvah_1.asp?language=uk http://www.milhist.dk/besattelsen/9april/9april.ht... http://www.archives.gov/research/holocaust/finding... http://www.history.army.mil/books/70-7_0.htm http://www.history.army.mil/books/70-7_02.htm http://mosinnagant.net/finland/samione.asp